Dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp nội địa lao đao, từ khối dịch vụ, thương mại tới sản xuất. Kết quả khảo sát vừa hoàn thành của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, điện tử, ôtô hay dệt may... chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất trong tháng 3 hoặc sang đầu tháng 4.
"Họ sẽ khó có khả năng cầm cự nếu tình hình không sáng sủa hơn vì trữ nguyên liệu cho sản xuất chỉ đủ dùng vài ba tuần tới", ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo lắng.
Ngoài thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khách, đơn hàng. Họ cũng khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu đã dày công xây dựng trong hàng thập kỷ.
"Trong ngắn hạn cần có biện pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngân hàng nên cơ cấu lại khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay; hay miễn, giãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp ở giai đoạn khó khăn về tài chính", Chủ tịch VCCI nói.
Thậm chí ông Lộc còn đề xuất Chính phủ lập một tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với nhiệm vụ trọng tâm là xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chép trong pháp luật kinh doanh, đầu tư; đơn giản hoá ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành.
Công nhân một công ty may tại Thái Nguyên đang cắt vải tạo mẫu, ngày 7/2. Ảnh: Ngọc Thành |
Đồng ý cần có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước "cơn bão" Covid-19, tại cuộc họp giữa tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách giãn, hoãn tiền thuế, chậm nộp như thế nào để tạo điều kiện cho hoạt động sản phiên dịch xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chia sẻ với VnExpress , Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết cơ quan này đang rà lại các văn bản, quy định để trên cơ sở đó đưa ra đề xuất với Chính phủ các mức miễn, giảm thuế cụ thể với các đối tượng doanh nghiệp. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa những đề xuất cụ thể sẽ được trình Chính phủ.
Nhiều Bộ, ngành khác cũng đã có phương án chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp . Trước thực tế thiếu nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử..., Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh "lệnh" cho các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm, cung cấp danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu và hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài.
Bộ này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, giảm giá BOT, phí cầu đường, phí lưu giữ phương tiện, thuế nhiên liệu bay... với các doanh nghiệp vận tải, để tháo nút thắt cho thương mại biên giới với Trung Quốc. Các hãng tàu, hãng vận tải cũng được đề nghị giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá, phí dịch vụ tại cảng cho các doanh nghiệp sản xuất, logistic.
Còn ở góc độ tiền tệ, đầu tuần này loạt ngân hàng thương mại đã lần lượt tung ra gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại do Covid-19. Đây là động thái sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, miễn, giãn thời gian trả nợ, cơ cấu lại nợ vay cho các doanh nghiệp đến hết 31/3.
Nhưng khó khăn của doanh nghiệp lúc này, là thị trường, chứ không phải vốn hay thuế, theo ông Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia. Ông cho rằng, chính sách tín dụng thời điểm này là cần hỗ trợ cơ cấu lại nợ "đúng địa chỉ", tránh quá đà, mất kiểm soát.
Không cho rằng một gói kích cầu lúc này sẽ là "liều thuốc tránh cho nền kinh tế suy giảm", Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói, "lòng tin chính là động lực, là vaccine giúp ngăn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay".
"Người dân có lòng tin họ sẽ tiếp tục tiêu dùng, không thắt chặt hầu bao, từ đó duy trì được sức mua của thị trường nội địa, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn. Doanh nghiệp tin họ sẽ tìm cách mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thị trường mới", ông nhận xét.
Ông Trần Đình Thiên nói, hỗ trợ doanh nghiệp không phải Chính phủ bơm ra bao nhiêu tiền cứu họ, mà cởi bỏ được nút thắt, điễm nghẽn nào trong cơ cấu kinh tế, quản lý doanh nghiệp. Miễn, giảm thuế hay cơ cấu lại nợ vay cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng chỉ có ý nghĩa tức thời, không thể giải toả hết khó khăn. Về phía doanh nghiệp, nếu chỉ trông chờ vào gói hỗ trợ từ Chính phủ lúc này như "chỗ dựa duy nhất thì không nên".
"Bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng chỉ là trợ lực bên ngoài, doanh nghiệp phải có lòng tin vượt qua và vượt lên khó khăn và nhiệm vụ của Chính phủ lúc này là chống dịch hiệu quả để gây dựng lại lòng tin đó", ông Thiên nhấn mạnh.
Nhiều đề xuất hỗ trợ cũng được đưa ra gần đây, thậm chí có ý kiến còn cho rằng Việt Nam cần một gói kích cầu kinh tế, giống các nước đang làm và coi đây là vaccine chống suy giảm kinh tế. Nhưng "vẫn còn quá sớm nói tới một gói kích cầu lúc này", Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nói với VnExpress .
Theo ông Thành, trong những trường hợp này chính sách tài khoá nên được ưu tiên hơn là tiền tệ. "Cái doanh nghiệp cần, thực ra lúc nào cũng cần là thị trường. Chính phủ nên xem xét sử dụng công cụ thuế và đầu tư công nhằm hỗ trợ tổng cầu", ông nói.
Đồng tình, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV coi nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là "phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả". Các gói chính sách kinh tế hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch. "TP HCM, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, thanh, kiểm tra các dự án bất động sản để sớm quyết định cho phép triển khai hay không", ông Lực nêu quan điểm.
Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét