1.
Đã ngót một năm trôi qua tính từ cái ngày Đình Trọng để lại hình ảnh đầy xúc động trên sân Mỹ Đình với cái ôm thắm thiết của HLV Park Hang-seo dành cho anh sau trận thắng 4-0 trước U23 Thái Lan, cũng như cú khuỵu gối nén đau giữa trận đấu để chiến đấu cho đến những giây cuối cùng.
Ngày ấy, dù chấn thương vẫn chưa bình phục hoàn toàn, song Đình Trọng vẫn được tung vào sân cho trận cầu quyết định tranh chiếc vé quý giá vào VCK U23 châu Á 2020. Với HLV Park Hang-seo, trung vệ này là "lá chắn thép" thực sự trước khung thành của U23 Việt Nam, cũng như ĐTQG Việt Nam.
Gần 10 tháng sau trận đấu "làm nên lịch sử" trước U23 Thái Lan ấy, Đình Trọng thêm lần nữa được ông thầy người Hàn Quốc tung ra sân với tham vọng tái lập kỳ tích ở VCK U23 châu Á, nhưng lần này U23 Việt Nam thất bại nặng nề, về nước với ngôi bét bảng, và sự mạo hiểm của HLV Park Hang-seo thêm lần nữa khiến trung vệ này gặp khó khăn với chấn thương.
Theo thông tin mới nhất, Đình Trọng sẽ phải mất ít nhất là 3 tháng nữa để hồi phục chấn thương. Đây là di chứng của việc trở lại tập luyện và thi đấu ở cường độ cao khi chấn thương vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. "Dục tốc bất đạt", ngoài nguy cơ phải mất thêm thời gian để hồi phục, Đình Trọng còn phải đối mặt với nguy cơ chấn dịch công chứng thương dai dẳng, thậm chí là những tiên lượng xấu hơn.
Không khó nhận ra rằng sự khao khát, nỗ lực của bản thân, thêm vào đó là sự hỗ trợ từ "thần y" Choi Ju-young khiến Đình Trọng chủ quan với chính đôi chân của mình, để rồi "bỏ qua" những cảnh báo, ra sân ở VCK U23 châu Á 2020, dẫn tới hậu quả ngày hôm nay.
Dĩ nhiên, HLV Park Hang-seo không thể không có phần trách nhiệm, thậm chí trách nhiệm của nhà cầm quân người Hàn Quốc là lớn nhất trong cả lần chấn thương trước đây của Đình Trọng, cũng như tình trạng hiện tại của cầu thủ này. Sức ép thành tích khiến ông Park luôn chọn Đình Trọng, dù biết rất có thể sự lựa chọn ấy sẽ ảnh hưởng cực lớn đến sự nghiệp và tương lai của cậu học trò.
Với chấn thương của mình, tham gia VCK U23 châu Á với Đình Trọng không chỉ là 90 phút ra sân cày ải, mà còn là cả một quá trình tập trung chuẩn bị cho giải đấu, với quá trình tập nặng dài ngày, tích lũy thể lực cho giải đấu, để rồi không chỉ một lần, sự quá tải khiến trung vệ này đối mặt với nguy cơ giải nghệ.
2. Đình Trọng không phải là học trò duy nhất của HLV Park Hang-seo dính chấn thương nặng sau hàng loạt giải đấu thành công của ông thầy người Hàn Quốc với bóng đá Việt Nam. Trước chấn thương "được gia hạn" thêm 3 tháng của Đình Trọng, Duy Mạnh cũng dính chấn thương nặng ở đầu gối. Liên quan đến chấn thương dây chằng đầu gối, còn có Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Đức và Xuân Mạnh.
Không khó để nhìn ra nguyên nhân căn bản cho những chấn thương của "lứa Thường Châu" của thầy Park, đấy chính là thi đấu quá nhiều dẫn đến quá tải, và khả năng y tế chưa đáp ứng đủ yêu cầu để thi đấu cường độ cao liên tục.
Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng đều là những cầu thủ từng thi đấu với cường độ "khó tin" ở CLB và các đội tuyển Việt Nam. Nhưng tính cho đến trước lúc rời Việt Nam sang Hà Lan thi đấu, Văn Hậu mới là người có mật độ thi đấu khó tin nhất. Cả Quang Hải, Duy Mạnh lẫn Đình Trọng đều phải xếp dưới hậu vệ này.
Quang Hải là người chạm cột mốc 10.000 phút thi đấu trong vòng 2 năm đầu tiên của bóng đá Việt Nam, cũng như cột mốc thi đấu 125 trận trong vỏn vẹn có 2 năm trời, song cũng chính những cột mốc "đáng tự hào đó" cũng khiến tiền vệ người Đông Anh gục ngã ở SEA Games 30 vì chấn thương, để rồi dai dẳng đến tận hiện tại.
Đình Trọng, Duy Mạnh đều dính chấn thương dây chằng đầu gối sau những lần trở lại sân cỏ dù chấn thương vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. May mắn cho Văn Hậu, dù phải gánh sự quá tải chỉ có hơn chứ không hề kém những đàn anh của mình ở CLB Hà Nội, song việc chọn điểm đến là CLB Hà Lan đã giúp cho hậu vệ trẻ này có được "điểm dừng" cần thiết cho sự nghiệp của mình.
Nhìn vào những chấn thương của Đình Trọng, Duy Mạnh, Quang Hải, dễ dàng nhận thấy quyết định "giữ chân" chưa cho Văn Hậu ra sân "thực sự" ở giải VĐQG Hà Lan của CLB Heerenveen sáng suốt đến mức nào, dù hậu vệ này từng được tung vào sân 4 phút.
Không phải ngẫu nhiên mà trở về Việt Nam đá SEA Games 30, Văn Hậu khiến người hâm mộ cực kỳ ngạc nhiên với thể hình vạm vỡ "lột xác", cũng như lối chơi mạnh mẽ với tốc độ và sự vượt trội cũng như pha tranh chấp tay đôi. Quãng thời gian không dài ở Hà Lan, hậu vệ này đã được "nhồi" những bài tập để cải thiện về cả vóc dáng, sức mạnh lẫn tốc độ.
Sự cải thiện mạnh mẽ ấy là điều cần thiết cho tốc độ chơi bóng cần có ở châu Âu, và cũng là liều vắc xin giúp Văn Hậu chống lại chấn thương, đồng thời những trận đấu ở đội trẻ Heerenveen giúp hậu vệ này giải tỏa bớt mối lo chấn thương vì quá tải.
Không ít người hâm mộ Việt Nam vẫn đang ngao ngán với việc Văn Hậu vẫn chưa được thi đấu "thực sự" trên đất Hà Lan, cũng như việc hậu vệ này không được "trả về" cho HLV Park Hang-seo để tham dự VCK U23 châu Á 2020, nhưng nhìn vào chấn thương của Đình Trọng, Duy Mạnh, mới thấy cầu thủ người Thái Bình sáng suốt biết bao khi chọn cho mình con đường thực sự chuyên nghiệp, khi tách ra khỏi vòng quay với sức ép nghẹt thở của thành tích, để chuẩn bị "bàn đạp" mạnh mẽ và vững chắc cho sự nghiệp đỉnh cao còn đến hơn 10 năm phía trước.
Cũng đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần sự chuyên nghiệp hơn, HLV Park Hang-seo cần phải nghĩ cho các học trò của mình hơn, thay vì chỉ chăm chăm lo cho những thành tích trước mắt rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét